Bồ công anh

04:25 Ngày 07/12/2017
Bồ công anh là loại thảo dược mọc dại ở nhiều nơi trên nước ta, được dùng chữa các bệnh mụn nhọt, viêm gan, tiêu sưng, thanh nhiệt, giải độc…

Vị thuốc Bồ công anh còn gọi là Phù công anh Cấu nậu thảo, Bộc công anh Thái nại, Lục anh, Đại đinh thảo, Bột cô anh, Bồ công định, Thiệu kim bảo… được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc dân gian quen thuộc.

1. Mô tả cây

Bồ công anh thuộc họ Cúc, là dạng cây thuốc quý, cao khoảng 0,6 – 1,0m, thân mọc thẳng, nhẵn, không cành. Lá dài 30cm rộng 5 – 6cm, mép có răng cưa thưa. Lá Bồ công anh mọc lên từ rễ, lá dài và có nhiều khía răng cưa hoặc xẻ lông chim, phía bên mép cây có dạng tua như bị xé rách. Bấm vào lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa. Rễ cây thuộc loại rễ đơn, dài, khỏe, phân bố thành hình trụ.  Hoa Bồ công anh nhỏ, có màu nâu, quả nhiều góc cạnh, mỏ dài.

bo-cong-anh-tuoi
Bồ công anh tươi

2. Phân bố

Bồ công anh được trồng phổ biến ở Trung Quốc. Ở Việt Nam loại thảo dược này phân bố nhiều trên các vùng núi cao như: Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt…

Bộ phận thường dùng làm thuốc là lá hoặc rễ cây sau khi đã được phơi hoặc sấy khô. Thông thường Bồ công anh được trồng bằng hạt vào tháng 3 – 4 hoặc tháng 9 – 10. Có thể trồng bằng mấu gốc, sau khoảng 4 tháng là thu hoạch được. Vào giữa tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm thu hoạch Bồ công anh lý tưởng nhất. Những loại cây già, có vị đắng, lá nhỏ, dài, cành ngả sang màu tím làm thuốc tốt nhất.

3. Thành phần hóa học

Trong vị thuốc này có chứa hàm lượng chất sắt cao, lượng vitamin A lớn, cùng các nguyên tố vi lượng như manhê, potassium, calcium, sodium và nhất là vitamin C, B. Ngoài ra bồ công anh còn chứa protein, chất béo, tinh bột… Vì vậy, Bồ công anh được dùng để thanh nhiệt, giải độc, tán sưng tiêu ung, trị đinh nhọt sưng tấy, tuyến vú viêm, nhiễm trùng đường tiểu, amidal viêm cấp tính...

bo-cong-anh-va-cac-thanh-phan-hoa-hoc
Hàm lượng sắt và vitamin A cực lớn trong bồ công anh

4. Bồ công anh trong Đông y

- Tính vị:  Vị ngọt, tính bình, hơi hàn, không độc.

- Qui kinh:  Thảo dược tác động vào kinh can, vị, thái âm phế.

- Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tán sưng tiêu ung, ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, não mô cầu, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ Flexener, trực khuẩn mủ xanh, lợi tiểu…

- Ứng dụng lâm sàng:

+ Chữa gai đâm sưng phù: Dùng Bồ công anh giã nát bôi vào vết sưng.

+ Trị hậu sản: Tương tự giã nát bồ công anh đắp lên tuyến vú khoảng 3 – 4 lần sẽ khỏi.  

+ Trị ngực sưng tấy: Lấy 40g Bồ công anh, 80g Nhẫn đông đằng 80g đem giã nát, chia đều làm 2 lần, 1 lần uống, 1 lần bôi vào ngực.

+ Chữa lở loét lâu ngày không khỏi: Cũng dùng Bồ công anh giã nát đắp lên vết thương.

+ Chống loãng xương: Xay khoảng 100gr lá Bồ công anh tươi cùng với cà rốt hoặc củ cải để uống làm 2 – 3 lần trong ngày.

+ Chữa rối loạn chức năng gan mật: Dùng Bồ công anh, cải xà lách sau khi rửa sạch đem ép thành nước, uống mỗi ngày 1 cốc giúp chữa các bệnh về gan, mật.

+ Chữa suy nhược cơ thể: Tương tự dùng Bồ công anh làm thực phẩm nấu canh hoặc uống nước ép mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

+ Lợi tiểu: Đem sao vàng Bồ công anh, mỗi lần uống dùng 1 nắm ngâm với nước sôi để uống như trà giúp lợi tiểu, chữa bệnh về đường tiết niệu.

+ Trị mụn cóc: Chỉ cần cắt ngang gốc cây, lấy dịch tiết ra từ cây bôi lên chỗ mụn cóc, 2-3 lần mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả.

5. Một số bài thuốc Đông y quen thuộc

-         Bài thuốc trị mụn nhọt, sốt, lở lét do phong hỏa

Bồ công anh                        20g        Dã cúc hoa                12g

 Kim ngân hoa            12g          Cam thảo sống            1,20g

Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày chia 2 lần sau bữa ăn.

bo-cong-anh
Bồ công anh dùng trong đông y

-         Bài thuốc chữa viêm ruột thừa

Bồ công anh                        12g        Tử hoa địa đinh          20g

Mã xỉ hiện                  40g          Hoàng cầm                  12g

Đơn sâm                      12g

Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày chia 2 lần sau bữa ăn.

-         Bài thuốc chữa đau mắt đỏ do can hỏa

 Bồ công anh              80g          Chi tử                7 trái

 Liều dùng: Sắc uống mỗi ngày 250ml,  chia 2 - 3 lần sau bữa ăn.

-         Bài thuốc trị viêm bàng quang, tiêu hóa kém

Bồ công anh                40g                Quất bì              24g

 Sa nhân                      12g

Liều dùng: Đem các vị thuốc tán thành bột mịn, uống khoảng 2g/ ngày, chia đều làm 3 lần.

-         Bài thuốc trị viêm tuyến vú (Ngân bồ thang)

Kim ngân hoa              20g                  Bồ công anh              20g

Vòi voi                        10g                    Lá Mỏ quạ                  10g

Liều dùng:  Sắc thuốc lấy 200 ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.

-         Bài thuốc trị viêm họng

Bồ công anh                40g                    Kim ngân hoa              20g

Cam thảo Nam            10g

Liều dùng: Sắc uống ngày một thang.

-         Bài thuốc trị viêm phổi, phế quản

Bồ công anh                40g                    Vỏ rễ Dâu                  20g

hạt Tía tô                    10g                    Kim ngân hoa              20g

 Cam thảo Nam       10g

Liều dùng: Sắc uống ngày một thang, chia đều 2 – 3 lần.

Lưu ý: Bồ công anh không dùng cho bệnh nhân không có thấp nhiệt ung độc và hư hàn.

Bài xem nhiều nhất
Danh mục bệnh
Bài viết mới nhất
Vị thuốc quý
Hòm thư góp ý